Honda Winner là bản hòa trộn của underbone thực dụng truyền thống và sportbike mạnh mẽ. Tất nhiên khi chấp nhận mua Winner, khách hàng phải hy sinh một số tiện ích như xe không có móc treo đồ, không có cốp, thay vào đó là khe nhỏ chỉ chứa vừa một chiếc ví.
Winner trong cuộc chiến với Exciter có thể lép vế về thiết kế nhưng lại có những ưu điểm riêng về vận hành.
Khi Honda giới thiệu Winner 150 tại triển lãm xe máy hồi đầu tháng 4, cộng đồng chơi xe dấy lên nghi hoặc và bàn tán nhiều về kiểu dáng. Quá giống Wave RSX hay "Exciter của Honda" là những đánh giá cảm quan ban đầu. Nhưng với kinh nghiệm từ những Click và Air Blade, hãng xe Nhật có lý lẽ riêng để tạo ra Winner mang thiết kế quen thuộc.
Vẻ ngoài của mẫu xe côn tay 150 phân khối như một phiên bản cắt xẻ, nâng cấp của Wave RSX vì những nét tạo hình quen thuộc, dễ tiếp cận. So với Exciter, kiểu dáng của Winner ít gây tranh cãi rằng đẹp hay xấu, bởi đơn giản mọi thứ ở mức vừa phải, trung tính. Kiểu dáng lửng của Winner như truyền thống của Honda, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng ở độ tuổi trải rộng.
Thiết kế Thể thao trung tính.
Tất nhiên xe vẫn chứa một số chi tiết điểm nhấn tạo vẻ đặc biệt, đó là đuôi xe vểnh cao như sportbike, đèn pha LED hai tầng kiểu chiến binh và yếm xe để hở lốc máy, pha chút phong cách nakedbike. Trên Exciter, bộ áo quây kín động cơ nên có vẻ đầy đặn hơn.
Vị trí thiết kế quan trọng nhất mang tới cảm quan ban đầu nằm ở mặt nạ trước lại chưa thực sự sắc sảo. Gắn đèn xi-nhan và định vị kiểu chữ V với hốc gió chính giữa nhưng góc nghiêng lại nhỏ nên cho cảm giác hơi tù túng.
Bù lại vẻ thể thao chưa thực sự "đã" là một bản thiết kế hình học thể hiện những nghiên cứu Thị trường kỹ lưỡng. Winner là bước chuyển rất hợp lý cho người đi từ underbone lên dáng sportbike "ôm bình xăng". Trên Winner, vị trí yên 780 mm dốc mạnh, tay lái cao và chỗ để chân hơi tụt về sau giúp tư thế người lái cao lớn, vững chãi như chạy sportbike. Ở điểm này, Exciter lại cho cảm giác như những chiếc underbone khác, không tạo nhiều điểm nhấn như Winner.
Tư thế của Winner đi cùng niềm hứng khởi muốn chạy ngay lập tức. Hệ thống nút bấm khởi động, xi-nhan, chỉnh pha-cốt, còi của Winner giống hệt những mẫu Honda khác, không mất thời gian để làm quen. Bảng đồng hồ kết hợp analog và LCD với lượng thông tin ở mức vừa đủ, thông số tốc độ hiển thị lớn nhất. Xe không có nút nháy pha (pass) thường thấy trên sportbike.
Ngay khi nổ máy, thứ âm thanh trầm đục của Winner che mờ hết những điểm làm chưa tới trong thiết kế. Động cơ là loại cam đôi DOHC 150 phân khối xi-lanh đơn phun xăng điện tử PGM-FI, làm mát bằng dung dịch. Tỷ số nén 11,3:1, công suất 15,4 mã lực tại vòng tua máy 9.000 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 13,5 Nm tại 6.500 vòng/phút. Hộp số 6 cấp.
Exciter lại lắp động cơ cam đơn SOHC, tỷ số nén 10,4:1, sức mạnh tương tự với công suất 15,2 mã lực tại 8.500 vòng/phút và sức kéo cực đại 13,8 Nm tại 7.000 vòng/phút. Như vậy Exciter đạt mô-men xoắn muộn hơn nhưng công suất lại sớm hơn. Hộp số trên mẫu xe Yamaha là loại 5 cấp.
Nếu chỉ lòng vòng thành phố, Winner "hỗn" hơn Exciter. Dù hộp số tới 6 cấp, chia nhỏ tỷ số truyền hơn loại 5 cấp của Exciter nhưng ở những số thấp, bướm ga Winner rất nhạy, chỉ cần hơi nhích chút ga ở số 1 hoặc 2, xe sẽ giật lên lập tức. Nếu chở bạn gái ngồi sau, các chàng trai phải thực sự cẩn thận nếu không muốn cô gái nhiều lần vập mặt vào lưng.
Ở những đoạn đường thoáng nhất Hà Nội cũng chỉ cần dùng tới số 4 là thong thả ở tốc độ 60 km/h mà không bị gằn máy. Winner rất thích hợp cho những người muốn luyện tập và nhanh thuần thục xe côn tay, bởi với tay côn và chân số được thiết kế cứng, căng hơn những xe côn cùng loại thì người lái khó có thể lơ là. Đang chạy quen Winner nếu chuyển sang Exciter hay FZ150i sẽ thấy tay chân nhẹ tễnh. Một chi tiết nhỏ cũng giúp xe dễ dàng chạy phố đông là thiết kế đèn xi-nhan sau gắn liền trong một cụm, không sợ vướng khi phải luồn lách.
Ra khỏi thành phố, Winner thể hiện nhiều hơn trên đường trường. Thử một pha tăng tốc từ vị trí đứng yên, vào số 1, xoắn mạnh ga và bật tay côn, xe chồm lên bốc đầu rồi lao đi lập tức, không có độ trễ tay ga. Tốc độ ép lên mức 60-70 km/h ngay ở số 3. Nếu trong đô thị, hộp số 6 cấp không phát huy nhiều tác dụng, thậm chí hơi thừa khi phải chuyển số liên tục thì ngoài đường trường, cơ cấu truyền động này phát huy tác dụng tối đa.
Vì nhiều cấp số, người lái có thể tùy chỉnh khoảng tăng tốc theo ý thích, ép một chút ga ở số 4 để vượt hoặc lên số 5 ngay nếu không thích nghe tiếng gằn máy. Ở tốc độ đều đặn 70 km/h chạy số 6, cảm giác êm ái như một xe ga, không rung lắc, tiếng xích hở nghe đều đặn. Nhưng nếu cũng tốc độ này ở số 3, xe bắt đầu hơi rần nhẹ ở gác để chân, một phần do tỷ số nén động cơ lớn, 11,3:1.
Khả năng tăng tốc từ vị trí đứng yên của Winner ngang ngửa Exciter. Dù mẫu xe của Yamaha sở hữu động cơ SOHC lợi ở nước đầu cùng trọng lượng nhẹ 115 kg. Còn Honda DOHC lợi nước sau, trọng lượng nặng hơn (122 kg) nhưng tỷ số nén của Winner cao hơn (11,3:1 so với 10,4:1), mô-men xoắn cực đại lại đạt ở vòng tua sớm hơn, hộp số linh hoạt nên bù lại khả năng tăng tốc "kẻ tám lạng, người nửa cân" so với đối thủ.
Ở dải tốc độ khoảng 50 km/h trở lên, Winner bắt đầu cho thấy lợi thế DOHC và 6 số, xe bứt tốc nhanh, màn hình nhảy số liên tục trong khi xe vẫn đầm, ổn định khi qua đường uốn lượn bởi trọng lượng nặng và đường kính phuộc trước lớn hơn hẳn. Nếu cảm giác của Winner là lên tốc nhanh nhưng điềm tĩnh thì kiểu của Exciter ngược lại, xe thoát máy và hơi bay theo đúng truyền thống.
Cặp vành lớn 17 inch với lốp trước 90/80 và lốp sau 120/70 ổn định và bám đường khi ôm cua. Ở dốc Tam Đảo, nếu không phải dừng lại nhường xe khác, Winner có thể leo và ôm cua ngay ở số 4, về số 3 cho những góc cua tay áo 180 độ dù đi hai người. Hãm tốc là bộ phanh đĩa cả hai bánh. Kích thước lớn nhưng chiều dài cơ sở ngắn nên Winner gọn gàng khi ôm những cua gắt. Tuy nhiên khoảng sáng gầm tới 167 mm dễ gây ra e ngại mất trọng tâm khi vào cua nếu chưa quen xe, nhưng lại là điểm mạnh khi chạy đường xấu.
Honda Winner là bản hòa trộn của underbone thực dụng truyền thống và sportbike mạnh mẽ. Tất nhiên khi chấp nhận mua Winner, khách hàng phải hy sinh một số tiện ích như xe không có móc treo đồ, không có cốp, thay vào đó là khe nhỏ chỉ chứa vừa một chiếc ví.
Nằm cùng phân khúc và mức giá tương tự Exciter nhưng cách Winner thiết kế và vận hành cho thấy, hai mẫu xe côn tay thể thao chưa hẳn đã chiếm khách của nhau. Định hướng của Winner trung tính và chững chạc, trong khi Exciter thể thao thuần chất và đặc biệt trẻ. Cuộc chiến này tương tự Air Blade và Nouvo trước đây. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của hai cái tên trong cùng một phân khúc có thể kéo một phần khách hàng quen dùng xe số và xe ga phổ thông sang chạy xe côn tay.